Huế là một thành phố thuộc tỉnh và là tỉnh lỵ tỉnh Thừa Thiên Huế đến hết năm 2024, trước khi thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương từ năm 2025. Thành phố tỉnh lỵ Huế đến năm 2024 có địa giới hành chính tương ứng với các quận Phú Xuân và Thuận Hóa của thành phố Huế trực thuộc trung ương từ năm 2025.
Huế từng là kinh đô (cố đô Huế) của Việt Nam thời phong kiến dưới triều Tây Sơn (1788–1801) và nhà Nguyễn (1802–1945). Hiện nay, thành phố là một trong những trung tâm về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Những địa danh nổi bật là sông Hương và những di sản để lại của triều đại phong kiến, Thành phố có năm danh hiệu UNESCO ở Việt Nam: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Ngoài ra, Huế còn là một trong những địa phương có di sản hát bài chòi đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
1. Vị trí địa lý
Thành lập thành phố Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Phía Đông giáp biển Đông
- Phía Tây nước Cộng Hòa dân chủ nhân dan Lào
- Phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam
- Phía Bắc giáp với tỉnh Quảng Trị và biển Đông
Thành phố nằm cách thủ đô Hà Nội 668 km về phía nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1039 km về phía bắc và cách Đà Nẵng 95 km về phía bắc.
Nằm gần dãy núi Trường Sơn, khu vực thành phố Huế là đồng bằng thuộc vùng hạ lưu sông Hương và sông Bồ, có độ cao trung bình khoảng 3 – 4 m so với mực nước biển và thường bị ngập lụt khi đầu nguồn của sông Hương (trên Dãy Trường Sơn) xảy ra mưa vừa và lớn. Khu vực đồng bằng này tương đối bằng phẳng, tuy trong đó có xen kẽ một số đồi, núi thấp như núi Ngự Bình, Đồi Vọng Cảnh…
2. Khí hậu
Thành phố Huế có sự ngoại lệ về khí hậu so với Bắc Bộ và Nam Bộ, vì nơi đây khí hậu khắc nghiệt và có sự khác nhau giữa các vùng và khu vực trong toàn tỉnh. Huế có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thuộc Phân loại khí hậu Köppen. Mùa khô từ tháng Ba đến tháng Tám, với nhiệt độ khá cao từ 35 đến 40 °C (95 đến 104 °F). Mùa mưa từ tháng Tám đến tháng Giêng, với một mùa lũ từ tháng Mười, trở đi. Nhiệt độ trung bình mùa mưa là 20 °C (68 °F), đôi khi thấp nhất là 9 °C (48 °F). Mùa xuân kéo dài từ tháng giêng đến cuối tháng Hai.
3. Hành chính
Thành phố Huế có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 04 huyện, 03 thị xã và 02 quận; 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 48 phường, 78 xã và 07 thị trấn. Từ ngày 1/1/2025, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức lên Thành phố Huế, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 ở nước ta. Theo đó, Thành phố Huế có 04 huyện (gồm huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, huyện A Lưới, huyện Phú Lộc), 03 thị xã (gồm thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy) và 02 quận (gồm quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa).
Quận Phú Xuân có 127,05 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 202.585 người; có 13 phường, gồm: An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Hòa, Kim Long, Hương Sơ, Hương Long, Phú Hậu, Hương An, Hương Vinh, Long Hồ.
Quận Thuận Hóa có 139,41 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 298.063 người; có 19 phường, gồm: An Cựu, An Tây, Vỹ Dạ, Phước Vĩnh, Trường An, Phú Nhuận, Thủy Biểu, Phủ Hội, An Đông. Vĩnh Ninh, Phường Đúc, Thủy Xuân, Xuân Phủ, Thúy Vân, Phú Thượng, Hương Phong, Thủy Bằng, Thuận An, Dương Nỗ.
Thị xã Hương Trà có 392,57 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 70.242 người; có 9 ĐVHC cấp xã, gồm 5 phường và 4 xã.
Thị xã Hương Thủy có 427,48 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 103.975 người; có 10 ĐVHC cấp xã, gồm 5 phường và 5 xã.
Thị xã Phong Điền có 945,66 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 105.597 người; có 12 ĐVHC cấp xã, gồm 6 phường và 6 xã.
Huyện Phú Lộc (sáp nhập huyện Phú Lộc và Nam Đông) có 1.368,23 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 180.607 người, có 27 ĐVHC cấp xã, gồm 23 xã và 4 thị trấn.
Huyện Phú Vang có 235,31 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 130.743 người, có 14 ĐVHC cấp xã, gồm 13 xã và 1 thị trấn.
Huyện Quảng Điền có 162,89 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 94.340 người; có 11 ĐVHC cấp xã, gồm 10 xã và 1 thị trấn.
Huyện A Lưới có 1.148,50 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 50.241 người; có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 1 thị trấn.
4. Lịch sử
Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế có một quá trình lịch sử hình thành và phát triển khoảng gần 7 thế kỷ (tính từ năm 1306), trong tiến trình hình thành văn hóa Huế có sự tác động của văn hóa Đông Sơn do các lớp cư dân từ phía Bắc mang vào trước thế kỷ 2 và sau thế kỷ 13 hỗn dung với thành phần văn hóa Sa Huỳnh tạo nên nền văn hóa Việt – Chăm. Trong quá trình phát triển, chuyển biến có ảnh hưởng của các luồng văn hóa khác các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, phương Tây…
Văn hóa Huế được tạo nên bởi sự đặc sắc về tinh thần, đa dạng về loại hình, phong phú và độc đáo về nội dung, được thể hiện rất phong phú trên nhiều lĩnh vực như: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, phong tục tập quán, lễ hội, lề lối ứng xử, ăn – mặc – ở, phong cách giao tiếp, phong cách sống,..
Huế còn được gọi là Đất Thần Kinh hay Xứ thơ, là một trong những thành phố được nhắc tới nhiều trong thơ văn và âm nhạc Việt Nam vì nét lãng mạn và thơ mộng..
4.1 Thuận Hóa
Năm 1306, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông và Hoàng đế Trần Anh Tông của Đại Việt gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân theo lời hứa của Trần Nhân Tông khi đi thăm Chiêm Thành thời gian trước đó. Chế Mân dâng sính lễ gồm có hai Châu Ô và Châu Lý (từ Nam Quảng Trị đến Thừa Thiên – Huế ngày nay).
Năm 1307, vua Trần Anh Tông tiếp quản vùng đất mới và đổi tên là châu Thuận và châu Hóa. Việc kết hợp hai châu này làm một và đặt tên phủ là Thuận Hóa (chữ Hán: 順化) được thực hiện dưới thời thuộc Nhà Minh. Đến đời Nhà Hậu Lê, châu Thuận và châu Hóa hợp thành Thuận Hóa và trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã bỏ cấp huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành cấp phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam. Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn, (thế kỷ 17 – 18) là vùng đất trải dài từ phía nam sông Gianh cho tới đèo Hải Vân.
4.2 Phú Xuân
Năm 1626, để chuẩn bị cho việc chống lại nhà họ Trịnh, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh đến làng Phước Yên (Phúc An) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên và đổi dinh thành phủ. Năm 1636, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chọn làng Kim Long, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, làm nơi đặt Phủ. Năm 1687, Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái, dời Phủ chúa về làng Phú Xuân (chữ Hán: 富春), thuộc huyện Hương Trà vào năm 1712, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu dời phủ về làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên làm nơi đặt phủ mới. Đến khi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lên cầm quyền năm 1738 thì phủ chúa mới trở về lại vị trí Phú Xuân và yên vị từ đó cho đến ngày thất thủ về tay quân họ Trịnh. Năm 1802, sau khi thống nhất Việt Nam, vua Gia Long đã “đóng đô ở Phú Xuân, mới gọi là Kinh sư”.
Theo Wikipedia – Đang cập nhật thêm